Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel

Shang-Chi & the Legend of the Ten Rings là dự án điện ảnh thứ 2 trong phase 4 của MCU và cũng là tác phẩm đậm chất võ thuật phương Đông đầu tiên mà Marvel Studios sản xuất. Không chỉ mang đến những siêu anh hùng mới, bộ phim này còn khéo léo kết nối với ý tưởng đa vũ trụ mà Marvel đang khai thác một cách tài tình: Đó chính là sự xuất hiện của vùng đất Đại La (Ta Lo), “quê ngoại” của hai anh em Thượng Khí (Shang-Chi) và Hạ Linh (Xialing).

Đại La nằm trong 1 chiều không gian khác, được bao bọc và bảo vệ bởi 1 khu rừng tre luôn không ngừng chuyển động để không ai có thể xác định được phương hướng cũng như đường đi đến nơi này. Theo đúng phong cách chính của Shang-Chi & the Legend of the Ten Rings, Đại La mang đến rất nhiều sơn hải dị thú được lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian của Trung Quốc.

Đế Giang/Hỗn Độn

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 1.

Sinh vật kỳ lạ đầu tiên mà Shang-Chi và Katy phát hiện ra chính là Morris, được lấy cảm hứng từ Đế Giang, được xem là hiện thân của Hỗn Độn (Hundun) trong văn hóa Trung Quốc. Sinh vật này từng được ghi chép trong những tài liệu từ những năm 400 trước Công Nguyên, nổi tiếng nhất là Sơn Hải kinh, cuốn sách cổ tổng hợp về thần thoại cũng như những sinh vật huyền bí trong lịch sử Trung Quốc.

Trải qua nhiều thế kỷ, những ghi chép về Đế Giang cũng có phần bị biến đổi. Tuy nhiên, sinh vật này thường thường được mô tả là mình chó, không đầu, nhiều lông, 6 chân (có phiên bản là 4 chân) và 4 cánh. Mặc dù xây dựng nhân vật rất sát với hình tượng trên, nhưng dường như Morris trong Shang-Chi lại khá đáng yêu và vui nhộn chứ không mang khí chất của 1 vị thần hỗn độn.

Phượng Hoàng

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 2.

Xuất hiện ngay khi nhóm người của Shang-Chi vừa đi xuyên qua thác nước để đến Đại La chính là 2 con Phượng Hoàng đang chao liệng trên nền trời xanh thẳm. Đây cũng là sinh vật được ghi lại trong Sơn Hải kinh, được xem là kẻ thống trị mọi loài chim và là tổ tiên của rất nhiều dã thú khác. Phượng Hoàng đã tồn tại ít nhất 8000 năm trong thần thoại Trung Quốc, thường là biểu tượng cho sự cân bằng cuộc sống, sự may mắn hoặc đức hạnh.

Trong quá khứ, “Phượng” được dùng để chỉ chim trống, và “Hoàng” ám chỉ chim mái. Đến triều đại nhà Nguyên (1271 - 1368), hai từ này thường xuyên được sử dụng cùng nhau thành 1 cụm cố định để chỉ loài chim cao quý này, bất chấp giới tính của chúng. Phượng Hoàng thường xuất hiện tại dãy núi Côn Lôn, bắc Tây Tạng và hiện đã trở thành 1 phần quan trọng trong văn hóa Trung Hoa. Rất nhiều họa tiết được lấy cảm hứng từ chúng và được sử dụng để trang trí quần áo hoàng gia, đồ gồm sứ, đám cưới.

Ngoài ra, Phượng Hoàng còn thường được đặt cạnh rồng để tạo nên biểu tượng cho sự cân bằng giữa âm dương. Mỗi một bộ phận trên cơ thể loài chim này thậm chí cũng mang ý nghĩa khác nhau: Phần đầu tượng trưng cho đức hạnh, đôi cánh là trách nhiệm, sống lưng là biểu tượng cho sự ngay thẳng, phần bụng là uy tín và phần ức là lòng nhân từ.

Hồ Ly tinh

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 3.

Hồ Ly tinh là loài cáo chín đuôi và từng truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm truyền hình, điện ảnh của Trung Quốc cũng như thế giới. Theo ghi chép của Sơn Hải kinh, chúng thường xuất hiện tại vùng núi và thung lũng ở tỉnh Sơn Đông. Tiếng kêu của chúng ngây thơ, trong trẻo tựa như trẻ sơ sinh, nhưng lại có thể ăn tươi nuốt sống con người 1 cách dễ dàng. Cuốn kinh này cũng cho biết nếu ăn thịt Hồ Ly tinh, con người sẽ miễn nhiễm với nhiều loại độc tố từ côn trùng.

Theo thời gian, Hồ Ly tinh được mô tả như những linh hồn tinh quái, là điềm báo phát tài phát lộc. Ở những phiên bản sau của Sơn Hải kinh đang mang đến 1 góc nhìn hoàn toàn mới về sinh vật này: Chúng có thể biến hình thành những mỹ nhân sắc nước hương trời hoặc những gã đàn ông trăng hoa ong bướm, tùy theo độ tuổi của chúng. Khi sống qua 1000 năm, Hồ Ly tinh có thể đắc đạo thành tiên, dù phim ảnh thường khắc họa chúng dưới dạng những nhân vật quỷ quyệt và thường xuyên dùng sắc đẹp của mình để gây họa.

Thạch Sư

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 4.

Thạch Sư là những con sư tử đá thường được sử dụng để trang trí cung điện, đền chùa. Nhiều tài liệu cho thấy Thạch Sư bắt đầu len lỏi vào văn hóa Trung Quốc khi loài sư tử xuất hiện dưới triều đại nhà Hán, thông qua những thương vụ buôn bán trên con đường tơ lụa nổi tiếng kết nối Châu Á với Châu Âu. Khi Phật giáo trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc, hình ảnh con sư tử được thay đổi và mang ý nghĩa là người bảo vệ pháp giáo.

Sau này, Thạch Sư được xem là vật trấn giữ cung điện, lăng mộ và những nơi linh thiêng khác. Đó là lý do vì sao những bức tượng của chúng thường được đặt trước cửa theo cặp, một đực một cái. Con đực sẽ thể hiện uy quyền bằng cách đặt 1 chân lên khối cầu và khoe ra bộ vuốt sắc nhọn của mình. Trong khi đó, con cái thì lại đảm nhận vai trò hậu phương vững chắc và chăm sóc một con sư tử con trên lưng.

Trong Shang-Chi & the Legend of the Ten Rings, Thạch Sư cũng đi theo cặp và có nhiệm vụ bảo vệ vùng đất Đại La trước những mối đe dọa từ bên ngoài.

Kỳ Lân

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 5.

Ngay khi Shang-Chi, Katy, Xialing và Trevor Slattery cho rằng họ đã được chiêm ngưỡng toàn bộ sinh vật thần bí tại Đại La thì chiếc xe của họ đã đột ngột dừng lại để nhường đường cho 1 sinh vật cao lớn, “giống như một con ngựa kỳ lạ” đi qua. Đó thực chất là Kỳ Lân, loài thú lâu đời hơn tất cả những loài đã đề cập trên đây.

Kỳ Lân lần đầu xuất hiện trong cuốn Tả Truyện (Zuo Zhuan), ra đời trong thế kỷ 5 trước Công Nguyên. Truyền thuyết kể lại rằng 1 đôi Kỳ Lân từng xuất hiện trong khu vườn của Hiên Viên Hoàng Đế vào năm 2697 trước Công Nguyên. Sau đó, đến lượt Hán Vũ Đế cũng bắt được một con vào năm 122 trước Công Nguyên. Chính những con Kỳ Lân đó đã giúp gia tăng vị thế của họ, thiết lập vai trò của hoàng đế sánh ngang với thánh thần. Kỳ Lân thường được xem là thú nuôi của các vị thần, thường sống ở những nơi thanh bình, thanh tịnh. Chúng thường báo hiệu cho sự xuất hiện của một người bất tử phi phàm, hoặc một thành viên của hoàng tộc.

Rồng

Điểm danh những sinh vật thần bí trong Shang-Chi: Long Phụng sum vầy trong bom tấn lớn của Marvel - Ảnh 6.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới sinh vật dễ nhận dạng nhất trong thần thoại Trung Quốc - đó chính là rồng, biểu tượng của uy quyền và sức mạnh. Trong văn hóa cổ đại tại quốc gia này, rồng thậm chí còn gắn liền với sức mạnh thần thánh, là biểu tượng của hoàng đế - người luôn được coi là thiên tử.

Bên cạnh đó, trong nhiều tài liệu cổ, rồng gắn liền với trời và nước, chịu trách nhiệm di dời, sắp xếp các vùng nước như suối, sông, thác hay biển cả. Những nhân vật như Long Vương, một con rồng trong hình hài giống như con người, thậm chí còn có trách nhiệm hô mưa gọi gió, cai quản thời tiết quanh năm tại nhiều khu vực khác nhau.

Rồng đã trở thành biểu tượng cho quyền lực, đức hạnh, trí tuệ, sức mạnh và tài lộc ở Trung Quốc trong hàng nghìn năm, ít nhất là từ năm 6200 trước Công nguyên. Hiện tại, rồng vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa tại quốc gia này, vẫn xuất hiện trong gần như mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật, từ những câu thành ngữ cho đến ẩm thực hay kiến trúc. Ví dụ như ở Hồng Kông, rất nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng với Long Môn, nơi rồng bay xuyên qua trên hành trình từ núi ra biển, tượng trưng cho sự thịnh vượng và mang lại vận khí tốt cho nơi đó.

Theo CBR/ScreenRant

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi

Đăng nhận xét

0 Nhận xét