Sử dụng điện thoại khi đi ngoài đường mang đến những tác hại không chỉ bản thân mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên sử dụng điện thoại khi đi ngoài đường không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân mình mà còn gây tác động đến cả những người khác. Bên cạnh đó, việc sử dụng smartphone ngoài đường còn khiến bạn có nguy cơ đối mặt với nhiều tai nạn không lường trước.
Nghiên cứu về việc sử dụng điện thoại khi đi ngoài đường
Các nhà nghiên cứu tại tại Đại học Tokyo và Đại học Công nghệ Nagaoka tại Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện các thí nghiệm về sự ảnh hưởng của smartphone khi đi bộ trên đường. Giáo sư đã cho rằng con người dùng nhiều tín hiệu thông qua thị giác để đoán xem những người xung quanh đi hướng nào. Chính vì vậy, họ đã làm thí nghiệm về điều này.
Kết quả cho thấy, những người sử dụng điện thoại khi tham gia trên đường sẽ mất thời gian lâu hơn để định hình làn đi của mình, cách di chuyển phức tạp hơn và không còn thẳng hàng đồng thời khiến cho những người đi đằng sau cũng bị chậm lại theo.
Ảnh hưởng đến bản thân
Không thể phủ nhận công dụng và tính năng mà smartphone mang đến cho người dùng. Sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật mang đến những sản phẩm đầy hữu ích, những chiếc smartphone là công cụ tuyệt vời giúp nâng cao trải nghiệm trong cuộc sống của người dùng. Tuy nhiên, việc sử dụng smartphone quá nhiều cũng mang đến nhiều ảnh hưởng xấu
Mỏi mắt
Chắc hẳn chúng ta đã từng gặp tình trạng mỏi mắt khi sử dụng các thiết bị như smartphone, laptop trong thời gian dài. Điều này là do các thiết bị phát ra ánh sáng xanh có hại thấp.
Ánh sáng xanh thay đổi nhịp sinh học, gây ra sự nhạy cảm ánh sáng, căng thẳng xung quanh và phía sau mắt. Nếu bạn tập trung vào bất kỳ màn hình nào trong một thời gian dài, bạn nên thử quy tắc 20-20, nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút, trong 20 giây và nhìn vào thứ gì đó cách xa ít nhất 6m.
Mỏi cổ và các chấn thương liên quan
Sử dụng smartphone trên đường phố, các quán cafe, ngoài trời thì đa phần động tác của cổ hầu như là cúi xuống. Nếu việc này diễn ra lâu và thường xuyên thì chắc chắn bạn sẽ gặp triệu chứng đau, mỏi cổ, trong thời gian dài sẽ dẫn đến các vấn đề khác về lưng, cổ và vai.
Nghiên cứu cho thấy rằng cứ mỗi cm bạn ngả đầu về phía trước, bạn sẽ tăng gấp đôi tải trọng lên những cơ bắp đó. Một nghiên cứu được đăng tải từ tạp chí JAMA Otolaryngology – Head & Neck Surgery về ảnh hưởng của smartphone trong các chấn thương vùng đầu và cổ. Kết quả cho thấy, từ tháng 1 năm 1998 cho đến tháng 12 năm 2017 có tổng số 2,501 bệnh nhân đến khám tại Khoa cấp cứu Hoa Kỳ với các vết thương đầu và cổ liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động.
Món mồi béo bở của trộm, cướp
Điện thoại là vật tuỳ thân của mỗi người, hầu hết mọi người khi ra đường đều mang theo smartphone để tiện cho việc liên lạc, chỉ đường hoặc sử dụng với mục đích khác. Đây chắc chắn là miếng mồi vô cùng béo bở của những tên trộm, cướp đường phố. Những nội dung trên smartphone sẽ khiến bạn dành nhiều sự quan tâm mà không để ý đến những sự việc, sự vật hay người xung quanh.
Sử dụng điện thoại khi đi ngoài đường chẳng khác nào việc mời gọi nhưng tên cướp đến và “cuỗm” mất chiếc điện thoại yêu dấu của bạn. Bạn đang đi bộ trên đường chắc chắn không thể nhanh bằng những chiếc xe máy của tên cướp, dù bạn có xe máy thì với khả năng luồn lách của chúng thì bạn cũng rất khó để đuổi kịp.
Thống kê trên 205 bản án tội cướp giật tài sản từ năm 2019 đến tháng 1 năm 2021 của TAND TP.HCM, 146 vụ cướp (chiếm 71.2%) là các vụ cướp giật điện thoại di động. Điều này cho thấy tình trạng đáng báo động nếu bạn cứ tiếp tục sử dụng điện thoại ở ngoài đường. Hơn nữa, như nhiều bị cáo đã khai, sau khi giật được điện thoại vài giờ là họ đã bán được chúng, đương nhiên với giá rẻ. Người mua điện thoại không có tội vì họ không biết đây là tài sản do cướp giật mà có.
Điều này cho thấy việc buôn bán các chiếc smartphone bị cướp giật là vô cùng dễ dàng, đồng thời, với tay nghề bẻ khoá của các cửa hàng điện thoại, việc đưa một chiếc smartphone về tình trạng như lúc xuất xưởng là điều có thể thực hiện khá dễ dàng. Chiếc smartphone từng bị cướp lại có thể hoạt động như mới.
Ảnh hưởng đến giao thông
Điều này người dùng hoàn toàn có thể hình dung được, những tai nạn xảy ra khi bạn sử dụng smartphone trong khi đang tham gia lưu thông được ghi nhận từ trước đến nay vô cùng nhiều.
Một điều đáng báo động là con số này càng ngày càng tăng mạnh, có tổng số 14,150 trường hợp tai nạn do sử dụng smartphone khi đang tham gia giao thông. Trong số 14,150 trường hợp đó, 7,240 trường hợp xảy ra khi người đó đang lái xe và sử dụng điện thoại di động, 1,022 khi đang nhắn tin và 5,080 khi vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại thông minh và 90 trong số 5,080 trường hợp đó đang chơi Pokémon Go. Phân bố theo nhóm tuổi cho thấy hầu hết các chấn thương do mất tập trung xảy ra ở các cá nhân từ 13 đến 29 tuổi khi chiếm đến 60,3% (theo kết quả điều tra và phân tích từ JAMA Network).
Theo số liệu thống kê về điện thoại di động và lái xe của Hoa Kỳ năm 2017 đã đưa ra những con số vô cùng khủng khiếp:
- Cha mẹ có con nhỏ có nguy cơ bị mất tập trung khi lái xe cao hơn 13% so với người lớn không có con nhỏ
- 3.166 người thiệt mạng do lái xe mất tập trung trong năm 2017
- Trong năm 2017, có 34.247 vụ tai nạn lái xe mất tập trung
- 15.341 tài xế từ 15-29 tuổi đã tham gia vào các vụ tai nạn chết người do mất tập trung hoặc sử dụng điện thoại di động
Không chỉ là đi xe, việc đi bộ nhưng sử dụng smartphone cũng nguy hiểm không kém bởi đường phố đông đúc và các phương tiện khác thường có tốc độ di chuyển vô cùng cao. Việc bạn lơ là đến tình trạng giao thông sẽ khiến bạn phải chịu những tai nạn không thể lường trước được.
Hơn nữa, việc bạn không chú ý đến giao thông cũng làm cản trở, gây ùn tắc và gây ảnh hưởng đến những người khác, tài xế đối diện với bạn sẽ gặp bối rối khi quyết định hướng đi để tránh bạn. Điều này cũng có thể gây ra những tai nạn bất ngờ.
Ảnh hưởng đến những người xung quanh
Giống như thí nghiệm ở trên và những ảnh hưởng của smartphone trong tham gia giao thông, những người xung quanh bạn khi ở ngoài đường cũng phải chịu những ảnh hưởng từ bạn.
Ví dụ như trên vỉa hè hoặc phố đi bộ, việc bạn quá chú tâm vào chiếc smartphone của mình mà không để ý đến phía trước sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến tốc độ của những người đằng sau bạn, nếu đông người, tỉ lệ ùn tắc sẽ càng trở nên cao hơn.
Không chỉ ở khía cạnh giao thông, nếu như bạn quá chú tâm vào chiếc điện thoại của bạn cũng khiến những người khác cảm thấy không hài lòng.
Nếu như một người bạn của bạn hoặc ai đó đang cố gắng bắt chuyện với bạn, bạn trả lời nhưng hành động của bạn lại đang chú tâm vào chiếc smartphone sẽ khiến người đó cảm thấy không được tôn trọng. Hành động này được xem là khá mất lịch sự và sẽ hình thành nên thói quen xấu của bạn.
Trong một đám đông, sử dụng smartphone sẽ được cho là dấu hiệu của việc tạo khoảng cách, tách riêng và không hoà nhập. Chắc hẳn sẽ có người trong đám đông đó không hài lòng với việc làm này.
Sai lầm phải “trả giá” bằng tiền mặt
Tại Mỹ, một số thành phố đã bắt đầu áp dụng các hình phạt cho việc sử dụng điện thoại khi đi bộ ngoài đường. Honolulu – Thủ phủ của tiểu bang Hawaii đã đưa ra dự luật phạt tiền dành cho những người đang băng qua đường nhưng sử dụng điện thoại di động. Mức phạt dành cho lần vi phạm đầu tiên là 15 – 35$ (khoảng 340,000 – 790,000 VNĐ), lần thứ 2 là từ 35 – 75$ (khoảng 790,000 – 1,700,000 VNĐ), lần thứ 3 lên tới 99$ (khoảng 2,2 triệu đồng).
Tại Chicago cũng đưa ra đề xuất mức phạt rất lớn dành cho sử dụng điện thoại “cắm mặt” vào điện thoại khi đang băng qua đường với mức phạt lên đến 500$ (khoảng 11.3 triệu VNĐ).
Ở Nhật Bản, thành phố Yamato, thuộc tỉnh Kanagawa đã cấm người đi bộ nhìn vào điện thoại thông minh của họ trong khi đi bộ với nỗ lực ngăn ngừa chấn thương do mất tập trung. Luật này được áp dụng từ tháng 7 năm 2020 và nhận được sự ủng hộ lớn từ dân cư trong thành phố. Tuy nhiên, thành phố này chưa đưa ra hình phạt dành cho việc trên, mọi việc mới tạm thời dừng lại ở việc ý thức của người dân.
Các thành phố khác như thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc, Antwerp ở Bỉ, và Washington ở Mỹ lại đưa ra giải pháp khác để hạn chế điều này. Họ đã tạo ra những “làn đường điện thoại di động” cho người đi bộ sử dụng điện thoại của họ. Hàn Quốc đã lắp đặt hệ thống đèn nhấp nháy và chùm tia laze tại các điểm giao cắt, hy vọng điều này sẽ giúp mọi người quan sát và khiến người lái xe giảm tốc độ.
Hãy thay đổi thói quen của bạn
Ở Việt Nam chưa có điều luật về việc cấm sử dụng điện thoại khi đang đi bộ hay băng qua đường, tuy nhiên, việc bạn sử dụng điện thoại di động thường xuyên khi đang đi trên đường phố, vỉa hè hay những nơi công cộng đều là những hành vi không nên. Việc làm này gây ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân bạn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh, an toàn giao thông và đôi khi không mang đến thiện cảm cho người khác.
Thói quen nào cũng bắt đầu từ những hành động của mình, vì vậy, bạn nên ý thức được việc sử dụng smartphone ở ngoài đường sẽ dẫn đến những kết quả gì. Có những lúc việc sử dụng điện thoại cũng là điều cần thiết để bạn xử lý công việc, liên lạc hay làm một điều gì đó. Tuy nhiên, hãy sử dụng chiếc smartphone của bạn một cách thông minh nhất để không ảnh hưởng đến bản thân mình và những người khác nhé!
[commentS]Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 Nhận xét